- Trang chủ
- Giải Trí Walker-Blog
- Deja vu là gì? Những điều thú vị về hiện tượng Deja vu
[info]Bạn có bao giờ cảm thấy như đã từng trải qua một sự kiện nào đó trước đây, mặc dù bạn biết chắc rằng đó là lần đầu tiên bạn gặp phải nó? Cảm giác trên chính là hiện tượng Deja vu, một từ tiếng Pháp có nghĩa là “đã từng thấy”. Hiện tượng này đã được nghiên cứu bởi nhiều nhà khoa học và tâm lý học nhưng hiện vẫn còn nhiều bí ẩn và thú vị xoay quanh. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Walker Vietnam tìm hiểu về Deja vu là gì? Những điều thú vị về hiện tượng Deja vu.[/info]
[chitiet]
1. Hiện tượng Deja vu là gì?
1.1. Hiện tượng Deja vu là gì?
Hiện tượng Deja vu (hay còn được gọi dưới tên là Déjà vu), đây là một thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Pháp. Deja vu được dịch ra với nghĩa là “đã được nhìn thấy” hoặc còn gọi là ký ức ảo giác hay tên khoa học là promnesia (chứng rối loạn trí nhớ).
Thực chất, Deja vu là một cảm giác xuất phát từ não bộ của con người khi bỗng nhiên bạn nhận thấy một sự việc hoặc một tình huống nào đó đang xảy ra ngay trước mắt lại vô cùng quen thuộc. Bạn có cảm giác như đã từng thấy hoặc bắt gặp tình huống tương tự như trên ở đâu đó, dù thực tế sự việc hoặc tình huống trên chưa từng xảy ra trong quá khứ và bản thân bạn cũng chưa từng gặp bao giờ, kể cả trong những giấc mơ.
Hiện tượng Deja vu vô tình tạo cho bạn một cảm giác chắc chắn về một sự việc hoặc một tình huống nào đó, từ đó khiến bạn mất cảnh giác. Đây là một ảo giác của bộ nhớ, nó tương đương với việc hai dòng suy nghĩ khác biệt va chạm vào nhau và khiến cho bạn có cảm giác quen thuộc với các điều mới lạ. Hiện tượng này có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở bất kỳ lúc nào và kéo dài từ vài giây đến vài phút.
1.2. Hiện tượng Deja vu có lợi hay có hại cho sức khỏe
Hiện tượng Deja vu đã được nghiên cứu bởi nhiều nhà khoa học và tâm lý học trong nhiều năm, cho đến nay có thể kết luận rằng Deja vu được xem là một hiện tượng bình thường và không có hại cho sức khỏe con người nếu nó chỉ xảy ra ít lần và không kéo dài quá lâu.
Có thể xem Deja vu là một trạng thái tâm lý mà trong đó khoảng 60 – 70 % người có tình trạng sức khỏe tốt đã trải qua hiện tượng này ít nhất một lần trong đời. Hiện tượng này xảy ra đã cho chúng ta biết rằng bộ nhớ của con người không phải là một kho lưu trữ cố định và vô hạn mà là một quá trình liên tục kiểm tra và so sánh các kinh nghiệm khác nhau.
Tuy nhiên, hiện tượng Deja vu cũng có thể được xem là một dấu hiệu của các vấn đề về sức khỏe thần kinh và não bộ nếu nó xảy ra quá thường xuyên hoặc kèm theo các triệu chứng khác, chẳng hạn như cảm giác đau đầu kéo dài, bị mất ý thức tạm thời, cơ thể trở nên yếu ớt hoặc có dấu hiệu bị co giật hay động kinh.
1.3. Một số ví dụ về hiện tượng Deja vu
Hiện tượng Deja vu xảy ra với từng người thông qua các cảm giác khác nhau tùy theo sự va chạm nhận thức của não bộ giữa hình dung về tình huống hiện tại và cảm giác về hồi ức quá khứ. Bài viết giới thiệu đến bạn một số ví dụ đơn giản về Deja vu nhằm giúp bạn hình dung dễ dàng hơn:
+ Tình huống 1: Bạn cùng gia đình đi xem phim tại một rạp phim mới khai trương. Khi bước vào phòng chiếu phim, dù đây là lần đầu bạn đến nhưng bạn lại cảm thấy như đã từng đến trước đây vài lần. Bạn vô tình nhận ra cách bày trí và không gian rạp phim rất giống với kiểu thiết kế trong một trò chơi điện tử mà bạn đã chơi. Bạn có thể nhớ được tên trò chơi nhưng bạn lại không nhớ đã gặp kiểu thiết kế này khi nào trong game. Đây là dạng Deja vu về không gian.
+ Tình huống 2: Bạn đang ngồi trong lớp học và giáo viên đang giảng bài về một chủ đề mới. Bạn cảm thấy như đã từng nghe giáo viên nói về chủ đề này trước đây ở đâu đó và bạn có thể dự đoán được những gì giáo viên sẽ nói tiếp theo. Bạn có cảm giác rằng bạn đã học bài này trước đó rồi nhưng bạn lại không thể nhớ rõ là học khi nào và ở đâu. Đây là dạng Deja vu về hành động.
Ngoài ra, còn rất nhiều dạng Deja vu thú vị với các đặc tính khác nhau sẽ được giới thiệu trong phần sau của bài viết.
2. Nguyên nhân gây nên hiện tượng Deja vu
2.1. Giả thuyết về sự phân chia của tri giác
Một trong những nguyên nhân gây nên hiện tượng Deja vu phổ biến nhất được lý giải dựa trên giả thuyết về sự phân chia của tri giác. Một cách đơn giản, giả thuyết này cho rằng hiện tượng Deja vu xảy ra khi bạn nhìn thấy một điều gì đó tương tự hai lần khác nhau.
Lần đầu tiên khi bạn nhìn thấy một điều gì, bạn có thể chỉ liếc qua một cách vô ý hoặc bị sao lãng. Tuy nhiên, não của bạn có thể đã bắt đầu tạo ra một ký ức về điều bạn nhìn thấy ngay cả khi bạn chỉ có được một lượng thông tin hạn chế từ cái nhìn ngắn ngủi và không hoàn chỉnh.
Chẳng hạn nếu lần đầu tiên bạn nhìn thấy cảnh quan từ một ngọn đồi, bạn có thể tin rằng bạn đang nhìn thấy cảnh vật này lần đầu tiên. Tuy nhiên não bộ tự động nhớ lại sự tri giác trước đó về cảnh quan tương tự bạn thấy ở đâu đó. Do vậy, bạn cảm thấy quen thuộc với một cảnh quan mới. Nói cách khác, vì bạn không chú ý đến trải nghiệm lần đầu tiên xuất hiện trong tri giác, vậy nên bạn đã vô tình tạo ra sự hiểu lầm trong nhận thức của não bộ.
2.2. Giả thuyết về sự cố ngắn ngủi của mạch não
Một nguyên nhác khác dẫn đến hiện tượng Deja vu chính là giả thuyết về sự cố của mạch não. Giả thuyết này cho rằng hiện tượng Deja vu xảy ra khi não của bạn bị lỗi trong vận hành. Nói cách khác, khi xảy ra một sự cố điện từ ngắn ngủi trong não, não của bạn sẽ nhận diện sai lầm vấn đề, tương tự như những gì xảy ra trong một cơn động kinh.
Khi điều này xảy ra, các thông tin mới được chuyển trực tiếp từ bộ nhớ ngắn hạn sang bộ nhớ dài hạn và bỏ qua các cơ chế chuyển tiếp thông thường. Tình trạng trên có thể gây nên sự rối loạn trong việc truyền thông tin giữa các vùng não liên quan đến bộ nhớ bên trong. Do vậy, não của bạn cảm thấy rằng các thông tin mới này đã tồn tại trong bộ nhớ dài hạn của bạn từ trước dù thực tế là chúng chỉ mới xuất hiện.
2.3. Giả thuyết về sự nhận diện sai lầm
Nguyên nhân thứ ba dựa trên giả thuyết về sự nhận diện sai lầm. Giả thuyết này cho rằng hiện tượng Deja vu xảy ra khi bạn nhận diện sai lầm một điều gì đó mới lạ thành quen thuộc.
Điều này có thể xảy ra do bạn bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố bên ngoài như hình ảnh, âm thanh, mùi hương hoặc cảm giác,… có sự tương đồng với một ký ức trong quá khứ của bạn. Do vậy bạn đã khiến não vô tình so sánh giữa kinh nghiệm hiện tại và một ký ức trong quá khứ nhưng lại không thể nhớ rõ ký ức đó ra sao.
Ví dụ, khi bạn đi du lịch ở một thành phố xa lạ, não bộ của bạn có thể so sánh nơi bạn đi du lịch với một thành phố khác mà bạn đã từng đến tuy nhiên bạn lại không thể nhớ được tên hay chi tiết của thành phố đó. Tứ đó, bạn cảm thấy quen thuộc với một thành phố mới lạ nhưng không biết tại sao.
3. Các loại hiện tượng Deja vu phổ biến
Có rất nhiều loại hiện tượng Deja vu khác nhau, tùy theo cách phân loại, nguồn gốc và cách thức diễn ra của mỗi trường hợp. Bài viết sẽ giới thiệu đến bạn 4 loại hiện tượng Deja vu phổ biến thường thấy dựa trên cảm giác của người trải nghiệm.
3.1. Hiện tượng Deja vu vecu
Hiện tượng Deja vu vecu (hay còn gọi là Deja vecu) đây là hiện tượng gây nên cảm giác như bạn đã từng sống qua một sự kiện nào đó, kèm theo các chi tiết rất nhỏ như cảm xúc, suy nghĩ, mùi vị, âm thanh,… tuy nhiên thực tế là bạn chưa từng trải qua bao giờ.
Tình huống ví dụ: Bạn đang xem một bộ phim hài và bạn cười lớn khi nhân vật chính làm một hành động ngớ ngẩn và thú vị. Bạn có cảm thấy như đã từng xem bộ phim này trước đây và bạn có thể dự đoán được những gì sẽ xảy ra tiếp theo sau đó. Bạn cũng có cảm giác rằng bạn đã biết trước cốt truyện, nhân vật và các tình huống hài hước của bộ phim. Tuy nhiên trên thực tế, bạn lại chưa từng xem qua bộ phim này. Đó là một trường hợp của hiện tượng Deja vecu.
3.2. Hiện tượng Deja vu senti
Hiện tượng Deja vu senti (hay còn gọi là Deja senti) đây là hiện tượng gây nên cảm giác như bạn đã từng cảm nhận một điều gì đó trước đây, tuy nhiên bạn không thể nhớ rõ là khi nào và ở đâu, do bởi trên thực tế bạn chưa từng trải qua bao giờ.
Tình huống ví dụ: Bạn đang nghe một bài hát mới và bạn cảm thấy dường như bản thân đã từng nghe bài hát này trước đây. Bạn có thể nhớ được giai điệu và lời bài hát, nhịp điệu cũng rất quen thuộc nhưng bạn lại không thể nhớ được tên ca sĩ cũng như tên của bài hát. Bạn có cảm giác rằng bài hát đã gắn liền với một ký ức nào đó trong quá khứ của chính bạn. Đây là một trường hợp của hiện tượng Deja senti.
3.3 Hiện tượng Deja vu visite
Hiện tượng Deja vu visite (hay còn được gọi là Deja visite) đây là hiện tượng gây nên cảm giác như bạn đã từng đến một nơi nào đó trước đây dù thực tế bạn chưa bao giờ đặt chân đến nơi đó lần nào. Bạn có thể biết được các thông tin về nơi đó mà không cần hướng dẫn.
Tình huống ví dụ: Bạn đang có chuyến đi du lịch ở một thành phố xa lạ và cũng là lần đầu bạn đến nơi đây. Khi bạn bước vào một viện bảo tàng, bạn cảm giác như đã từng đến viện bảo tàng này trước đây và bạn cũng có thể chỉ ra được các bức tranh, tượng hay hiện vật nổi tiếng trong viện bảo tàng. Bạn có thể kể được lịch sử, ý nghĩa của các tác phẩm nghệ thuật mà không cần xem biển chỉ dẫn hay sách tham khảo. Đây là một trường hợp của hiện tượng Deja visite.
3.4. Hiện tượng Deja vu fait
Hiện tượng Deja vu fait (hay còn được gọi là Deja fait) đây là hiện tượng gây nên cảm giác như bạn đã từng làm một việc gì đó trước đây, dù trên thực tế thì bạn chưa làm qua bao giờ và đây cũng là lần đầu tiên bạn làm việc đó.
Tình huống ví dụ: Bạn đang đi chơi với bạn bè và bạn gặp một người lạ trên đường. Bạn cảm giác như bạn đã từng gặp người này trước đây và đã làm việc chung với họ. Bạn có thể nhớ được tên và sở thích của người này. Bạn còn chào hỏi người này như một người quen nhưng người này lại không biết gì về bạn. Bạn hoang mang không biết tại sao bạn lại biết được những thông tin về người này. Đây là một trường hợp của hiện tượng Deja fait.
4. Một số nhóm đối tượng dễ gặp hiện tượng Deja vu
Hiện tượng Deja vu có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở bất kỳ lúc nào và thường kéo dài từ vài giây đến vài phút. Các bạn thuộc nhóm tuổi từ 15 đến 25 tuổi, các bạn trẻ là những đối tượng được cho rằng dễ gặp phải tình trạng Deja vu hơn so với các nhóm tuổi khác. Khi chúng ta càng lớn tuổi, xu hướng trải nghiệm hiện tượng này ngày càng ít đi. Bên cạnh đó, phần lớn các bạn gặp phải hiện tượng Deja vu thường sẽ rơi vào buổi tối hoặc vào cuối tuần.
Tuy vậy, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy có một số nhóm đối tượng nhất định dễ gặp hiện tượng Deja vu hơn so với những người bình thường khác. Dưới đây là 3 nhóm đối tượng phổ biến:
5. Cách ứng phó khi gặp hiện tượng Deja vu
5.1. Giữ trạng thái bình tĩnh
Việc giữ thái độ bình tĩnh sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn từ đó nhanh chóng thoát khỏi những hiện tượng mơ hồ mà chính bản thân đang gặp phải. Bạn hãy hít thở thật sâu và nhẹ nhàng để làm dịu đi sự sợ hãi và lo lắng trong bạn. Ngoài ra, bạn cũng có thể hạn chế ảnh hưởng của hiện tượng Deja vu bằng cách chỉ tập vào suy nghĩ và cảm nhận hiện tại của bản thân thay vì để các ký ức mơ hồ chi phối.
Một cách khác cũng tương đối hữu ích chính là hãy trò chuyện với những người khác về trải nghiệm Deja vu của bạn. Hầu như bất kỳ ai cũng sẽ trải nghiệm hiện tượng Deja vu ít nhất 1 lần trong đời, do đó thay vì lo lắng, bạn hãy chia sẻ những trải nghiệm của bản thân với gia đình, bạn bè vì có thể họ sẽ có cách nhằm giúp bạn đối phó với hiện tượng Deja vu tốt hơn.
5.2. Chăm sóc tốt cho cơ thể
Một số yếu tố về sức khỏe cơ thể có thể ảnh hưởng đến tần suất của hiện tượng Deja vu chẳng hạn như căng thẳng, mệt mỏi, thiếu ngủ hoặc có sử dụng chất kích thích. Do đó, bạn nên duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, đồng thời hãy tập thể dục thể thao thường xuyên, ngủ đủ giấc và tránh các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu bia.
Bên cạnh đó, yếu tố căng thẳng được xem như một trong những tác nhân chính gây nên hiện tượng Deja vu với các bạn trẻ. Bạn có thể hạn chế bằng cách giảm bớt mức độ căng thẳng, không nên quá áp lực vì công việc, dành thời gian nhiều hơn để thư giãn bản thân và nghỉ ngơi mỗi ngày. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý các loại thuốc bạn đang dùng (nếu có) có kích thích hormone dopamine hay không vì đây chính là hormone sản sinh Deja vu trong não bộ.
5.3. Tận dụng Deja vu
Cuối cùng, thay vì xem hiện tượng Deja vu là một điều tiêu cực hay khó chịu, bạn cũng có thể coi đây là một điều tích cực và thú vị. Các nghiên cứu chỉ ra rằng những bạn có trải nghiệm Deja vu có thể có một trí nhớ tốt hơn so với người khác. Bạn có thể xem đây như là một dấu hiệu cho thấy bộ não của bạn đang hoạt động tốt và là một cơ hội để khám phá và phát triển bản thân.
Bạn cũng có thể tận dụng hiện tượng này để kích thích sự sáng tạo, trí tưởng tượng và khả năng giải quyết vấn đề, đồng thời hãy chia sẻ những trải nghiệm này với những người khác để tăng cường sự gắn kết và hiểu biết. Trải nghiệm Deja vu bắt đầu giảm khi bạn già đi, do vậy bạn có thể ghi lại và tận hưởng sự kỳ diệu của hiện tượng này. Tuy nhiên, cũng nên lưu ý rằng nếu Deja vu xảy ra quá thường xuyên, bạn hãy đến các trung tâm y tế để được tư vấn giải pháp phù hợp.
Bài viết đã giới thiệu đến bạn thông tin về nội dung deja vu là gì? Những điều thú vị về hiện tượng deja vu. Hy vọng bạn đã nắm được các nội dung bổ ích từ bài viết. Hãy theo dõi Walker Blog để cập nhật thường xuyên những chia sẻ cũng như các thông tin bổ ích về thời trang hằng tuần nhé.[/chitiet]