- Trang chủ
- Giải Trí Walker-Blog
- Vợ chồng trẻ Hàn Quốc ngập trong nợ nần
[info]Số liệu công bố hôm 11/12 của Cục Thống kê Hàn Quốc cho biết tổng số nợ của các vợ chồng mới kết hôn đang ghi nhận ở mức cao nhất từ trước đến nay.[/info]
[chitiet]Theo đó số nợ trung bình của những người mới kết hôn năm 2022 là 164 triệu won (hơn 3 tỷ đồng). Con số này đánh dấu mức cao nhất trong lịch sử, tăng 7,3% so với năm 2021. Điều này đồng nghĩa 89% các cặp đôi đang rơi vào cảnh nợ nần. Nguyên nhân chính xuất phát từ thất nghiệp, thu nhập giảm và phí sinh hoạt tăng.
Về con cái, gần 47% cặp vợ chồng được khảo sát chưa có con, đánh dấu tỷ lệ cao nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập. Số người khẳng định không sinh con năm 2022 tăng 0,6% so với năm trước, đẩy mức sinh trung bình trong mỗi hộ gia đình xuống 0,65, thấp nhất trong lịch sử.
89% cặp vợ chồng mới cưới tại Hàn Quốc ngập trong nợ nần, theo báo cáo mới nhất hôm 11/12 của Cục Thống kê Hàn Quốc. Ảnh minh họa: Yonhap
Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra một loạt các chương trình trợ cấp và hỗ trợ nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh hiện thấp nhất thế giới, nhưng xu hướng này hầu như không bị đảo ngược. Đáng chú ý, các cặp vợ chồng cả hai đều đi làm có khả năng trì hoãn việc sinh con hơn các nhóm khác.
Gánh nặng tài chính cũng khiến số lượng các cặp mới đăng ký kết hôn ở tất cả các thành phố và khu vực có xu hướng giảm so với số liệu của Cục Thống kê ghi nhận lần đầu năm 2015. Cụ thể, với 1,44 triệu cặp vợ chồng mới kết hôn vào năm 2015 giảm còn 1,1 triệu vào năm 2021 và 1,03 triệu vào năm 2022.
Năm nay, con số này được dự đoán sẽ lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống dưới một triệu, do 233.000 cặp đôi đang sống chung năm thứ 5 không còn đưa vào thống kê. Cục dự kiến số lượng vợ chồng mới cưới trong năm nay chỉ còn 190.000.
Không riêng các cặp vợ chồng, nhiều người trẻ tại các thành phố lớn của Hàn Quốc cũng phải ăn bám bố mẹ. Nghiên cứu hơn 5.000 người trưởng thành từ 18 đến 35 tuổi được chính quyền thành phố Seoul và Viện Seoul công bố hôm 6/12, cho thấy gần một số thanh niên đang sống tại đây sống trong cảnh nghèo khó, phải tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ gia đình.
Theo đó hơn 55% thanh niên ở khu vực này không đủ khả năng trang trải những nhu cầu cơ bản trong ba tháng. Tỷ lệ nghèo đối với thanh niên sống một mình là gần 63%, cao hơn 7,1 điểm phần trăm so với tỷ lệ nghèo của toàn bộ người trẻ ở Seoul. Gần 28% trong nhóm khảo sát cũng cho biết không đủ chi phí sinh hoạt.
Khi được hỏi cách giải quyết, hơn 41% nói cần sự hỗ trợ từ cha mẹ, 18% nói rút tiền tiết kiệm hoặc tiền gửi ngân hàng để chi trả, 11% tìm đến tổ chức hỗ trợ tài chính và hơn 10% nói bế tắc, chưa tìm ra hướng giải quyết.
Kết quả nghiên cứu kết luận hầu hết thanh niên Seoul đều dựa vào các mối quan hệ cá nhân để vượt qua khó khăn kinh tế như sống chung với bố mẹ hoặc nhận hỗ trợ từ gia đình.[/chitiet]