- Trang chủ
- Giải Trí Walker-Blog
- Xu hướng YOLO: Sống hết mình, tự quản lý thế nào?
[info]Lối sống YOLO (You Only Live Once - bạn chỉ sống một lần) nhấn mạnh việc tận hưởng cuộc sống hiện tại và tận dụng tối đa mọi cơ hội. Người trẻ theo lối sống này thường chọn trải nghiệm nhiều điều mới mẻ, mạo hiểm, ít lo lắng về tương lai, không ngần ngại đưa ra những quyết định dựa trên nguyên tắc “hãy sống hết mình vì bạn chỉ sống một lần”.[/info]
[chitiet]Tìm thấy niềm vui mỗi ngày
“An cư thì lạc nghiệp hay tuổi trẻ thì phải trải nghiệm” - đó là 2 lựa chọn mà nhiều bạn trẻ ngày nay thường lên bàn cân. Với Nguyễn Thị Thanh Tâm (SN 1996, ở TPHCM), nếu cô chọn ổn định thì sẽ có một công việc ở Sài Gòn với khoản lương cố định mỗi tháng để tiết kiệm. Rồi Tâm sẽ lập gia đình, có cuộc sống an nhàn, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong công việc, có ích trong con đường thăng tiến sau này.
Nhưng đó chỉ là giả định về một cuộc sống có phần “khuôn mẫu”, bản thân Tâm lại tò mò, muốn khám phá thế giới ngoài kia có gì, rồi nghĩ mình có bị bỏ lỡ điều gì không. Cô cũng tự đặt câu hỏi, liệu sau này về già, mình có hối hận vì không dám bước ra khỏi vùng an toàn không? Vừa mạo hiểm, vừa có chút “bụi”, Tâm đã lên kế hoạch cho một “tour du lịch 0 đồng”, đi qua 7 nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Sri Lanka và Ấn Độ trong 8 tháng (năm 2021).
“Trong chuyến hành trình ấy, mình đã thử nhiều công việc khác nhau. Mình đã biết được mình là ai, mình muốn gì. Mình có thể vừa du lịch vừa làm việc ở bất kỳ đâu. Sau đại dịch COVID-19, mình cảm thấy quyết định càng đúng vì không bao giờ biết ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì. Chi bằng hãy sống thật vui vẻ, sống hết mình cho hôm nay”, Tâm chia sẻ.
Trước khi đi, Tâm không nghĩ được như vậy. Cô chỉ biết bản thân không hài lòng với cuộc sống bị bó buộc mà trống rỗng nên đã quyết định dành hết số tiền đang có để đi du lịch. Sự trải nghiệm đã cho Tâm có nhiều khoảng lặng để ngẫm nghĩ về giá trị sống của bản thân nhiều hơn. Cô tự nhận thấy, bản thân đã trưởng thành hơn về mặt cảm xúc nhờ “thoát khỏi” lối sống truyền thống ổn định mà mọi người luôn đặt ra. Thay vào đó là một lối sống mà cô tìm thấy niềm vui mỗi ngày.
Tâm cho rằng, chi tiền cho trải nghiệm không có nghĩa là sống buông thả, phung phí cho những món đồ không cần thiết. Vì thế, trong mỗi chuyến đi, cô vừa sống tối giản vừa theo lối sống YOLO. Tức là sống hết mình với lựa chọn hiện tại, đặt bản thân vào những thử thách mới mẻ để tìm ra chính mình.
Tạo động lực nội sinh
Vốn sinh ra trong một gia đình gia giáo, có sự khắt khe về chuẩn mực giao tiếp và lối sống, bạn Nguyễn Văn Hiền (SN 1991, quê ở Bắc Giang) đã dùng tấm bằng cử nhân xuất sắc để “vận động” mẹ cho phép làm những gì bản thân thích. “Mẹ của mình khá sợ mỗi khi mình đưa ra một lựa chọn táo bạo hay mang tính nhất thời. Mẹ thường nói đến những mặt tiêu cực để mình giảm mong muốn thực hiện”, Hiền nói.
Hiện tại, Hiền dành 70% tiền để chi trả cho các trải nghiệm cá nhân và những sở thích về giải trí, thể thao. Hiền thừa nhận, lối sống YOLO đã tạo động lực để anh “nuông chiều bản thân” hơn so với trước đây. Thay vì đắn đo suy nghĩ, nhấc lên đặt xuống về một khoản chi, Hiền đã táo bạo và dứt khoát hơn để thử thưởng thức món ăn ở những nhà hàng đắt tiền, hay nâng cấp một món đồ công nghệ.
“Mình cho rằng, việc sống hết mình ở hiện tại sẽ tạo động lực nội sinh để hoàn thành tốt công việc. Mình cũng sẽ tự đặt ra mục tiêu cao hơn để thúc đẩy bản thân tiến về phía trước. Hay nói một cách thực tế hơn, mình sẽ có động lực kiếm tiền để chi trả cho những cảm xúc, sở thích cá nhân”, Hiền chia sẻ.
Có một thời điểm, bạn Nguyễn Thị Hạnh (SN 2001, sống ở Hà Nội) sẵn sàng thêm vào giỏ hàng những bộ váy yêu thích và món đồ mỹ phẩm chăm sóc da. Hạnh cũng băn khoăn, có nên sống hết mình như thế hay tiết kiệm để mua nhà, mua xe. Đến khi có người yêu và xác định tiến tới hôn nhân, Hạnh đã kìm lại nhu cầu mua sắm để thực hiện những mục tiêu dài hạn hơn.[/chitiet]